articles how to backup hero

Cách sao lưu máy tính Windows hoặc Mac của bạn

Một trong những sai lầm thường gặp nhất mà bạn có thể gặp phải là mất nội dung của máy tính do những tình huống không lường trước và không thể khôi phục bất kỳ phần nào vì bạn không sao lưu. Nếu ổ cứng của bạn hỏng hoặc bạn bị phần mềm độc hại tấn công, bạn có thể yên tâm rằng mọi thứ sẽ ổn nếu bạn đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để sao lưu máy tính của mình.

Không chắc phải sao lưu những gì? Bạn có thể bắt đầu bằng các tập tin cá nhân như video giải trí, ảnh, thư viện nhạc và các tài liệu quan trọng mà rất khó khôi phục. Các tệp cá nhân nên được sao lưu thường xuyên. Bạn cũng có thể sao lưu hệ điều hành, các chương trình và các cài đặt khác mà bạn cho là cần thiết. Sao lưu máy tính của bạn thường xuyên và coi đây là ưu tiên sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong trường hợp khẩn cấp.

Có một vài cách để sao lưu hệ thống của bạn bao gồm sao lưu trực tuyến và sao lưu cục bộ. Bạn được khuyến cáo nên có ít nhất ba bản sao của tất cả các tập tin quan trọng - bản gốc, bản sao lưu và bản sao lưu của bản sao lưu. Kết hợp các bản sao lưu trực tuyến và trên máy sẽ bảo vệ bạn trước 99% các tình huống mất dữ liệu tiềm tàng.

Ảnh chụp màn hình Windows 10 File History

Một bản sao lưu cục bộ hoặc tại chỗ được giữ một cách vật lý tại vị trí của bạn như sao lưu sang một ổ cứng ngoài, điều này sẽ nhanh hơn, dễ hơn và an toàn hơn nhiều. Windows cung cấp một giải pháp đơn giản để sao lưu dữ liệu của bạn gọi là Windows Backup. Tính năng này có tên là Restore trên Windows 7 và File History trên Windows 10.

Cách thiết lập sao lưu bằng File History trên Windows 10:

  1. Cắm ổ cứng hoặc SSD rời mà bạn muốn dùng làm ổ sao lưu vào máy tính.
  2. Kiểm tra để đảm bảo ổ SSD hay HDD rời của bạn có dung lượng bằng hoặc lớn hơn ổ cứng trong máy sẽ sao lưu. Để làm điều đó, chỉ việc bấm chuột phải vào Thanh điều hướng bên trái và chọn "Properties" (Thuộc tính). Lưu ý số dung dượng còn trống. Làm tương tự với ổ C để xem số dung lượng Đã dùng. Đảm bảo dung lượng trống trên ổ sao lưu lớn hơn lượng dung lượng đã dùng trên ổ C.
  3. Nhấp vào nút Start của Windows ở góc dưới bên trái màn hình rồi chọn "Settings" (Cài đặt) có hình bánh răng, chọn "Update & Security" (Cập nhật & bảo mật) (biểu tượng hai mũi tên uốn cong), rồi vào "Backup" (Sao lưu) ở cột bên trái. Hoặc bạn có thể gõ "Backup" vào ô tìm kiếm ở góc dưới bên trái, rồi chọn "Backup settings" (Cài đặt sao lưu).
  4. Nhấp vào dấu + bên cạnh "Add a drive" (Thêm ổ), rồi chọn ổ bạn vừa cắm vào máy. Ổ này sẽ hiện ra trong danh sách dưới dòng chữ "Select a Drive" (Chọn ổ). Lúc này, File History đã được bật.
  5. Tiếp, hãy đặt tần suất chạy sao lưu mà bạn muốn. Nhấp vào nút "More options" (Tùy chọn khác) rồi chọn tần suất (Every hour (Mỗi giờ), Every 3 hours (Mỗi 3 giờ), Daily (Mỗi ngày), v.v.).
  6. Chọn khoảng thời gian duy trì sao lưu mong muốn trong mục "Keep my backups" (Duy trì sao lưu của tôi). Theo mặc định, mục này được đặt thành Forever (Mãi mãi). Nếu không muốn, bạn có thể chuyển thành 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, v.v.
  7. Bấm vào "Back up now" (Sao lưu ngay) để bắt đầu bản sao lưu đầu tiên. Khi xong, bạn sẽ thấy ngày tháng, giờ và dung lượng của bản sao lưu được liệt kê.
Ảnh chụp màn hình MacOS Time Machine

Cách thiết lập sao lưu bằng Time Machine trên MacOS:

  1. Cắm ổ SSD hoặc HDD đã được định dạng cho MacOS mà bạn muốn dùng để sao lưu vào máy Mac của mình. Nếu là lần đầu kết nối với ổ, MacOS sẽ hiển thị hộp thoại để hỏi xem bạn có muốn dùng ổ cho Time Machine không. Khi đó, hãy chọn "Use as a Backup Disk" (Dùng làm ổ sao lưu). Nếu không phải là lần đầu dùng ổ này trên máy Mac, hãy vào menu Apple rồi nhấp System Preferences... (Tùy chọn hệ thống) và chọn Time Machine.
  2. Nhấp "Select a Backup Disk" (Chọn ổ đĩa sao lưu) để chọn ổ mà bạn vừa cắm từ danh sách. Nút bật tắt Time Machine ở phía bên trái hiện sẽ được đặt thành "ON" (Bật) hoặc có thể dòng "Backup Automatically" (Tự động sao lưu) sẽ được chọn, tùy phiên bản MacOS của bạn.
  3. Bạn có thể chọn "Backup Now" (Sao lưu ngay) từ menu của Time Machine ở phía trên cùng màn hình hoặc chỉ việc đợi để Time Machine sao lưu theo thời gian đã lên lịch cho "Next Backup" (Lần sao lưu kế tiếp). Ngoài ra, hãy lưu ý các chi tiết về ổ sao lưu như dung lượng còn trống, ngày sao lưu cũ nhất và ngày sao lưu gần nhất, tất cả đều được liệt kê tại đây khi bạn cắm ổ vào máy. Trong nút "Options" (Tùy chọn), bạn có thể chỉnh các cài đặt theo ý muốn như tần suất sao lưu, thư mục loại trừ, v.v.

Một bản sao lưu bên ngoài là khi các tệp của bạn được lưu trữ ở một nơi nào đó thay vì vị trí hệ thống hiện tại của bạn. Về mặt kỹ thuật, đây có thể là một ổ cứng mà bạn giữ ở nhà của một người bạn, nhưng nó thường có nghĩa là sao lưu hệ thống của bạn trực tuyến. Dropbox, Google Drive, iCloud, và OneDrive là các giải pháp tiện lợi và chi phí thấp có các tùy chọn đồng bộ để tự động đồng bộ những tập tin quan trọng nhất của bạn. Tùy thuộc vào lượng dữ liệu mà bạn định sao lưu, bạn có thể cần mua một gói dữ liệu. Bạn có thể sử dụng phần mềm của nền tảng lưu trữ đã chọn để thiết lập các tùy chọn của mình. Dữ liệu của bạn sẽ được sao lưu theo các tùy chọn của bạn mỗi khi bạn kết nối với internet.

Một cách toàn diện và an toàn hơn để sao lưu toàn bộ hệ thống là sử dụng ảnh đĩa hay ảnh ghost. Bạn sẽ cần phần mềm cụ thể để thực hiện điều này. Có các tùy chọn miễn phí như Macrium Reflect và EaseUS cho ổ cứng có dung lượng 1TB hoặc thấp hơn cùng với các tùy chọn trả phí như Acronis True Image. Tìm phần mềm sao lưu và khôi phục phù hợp với bạn và nghiên cứu như đọc đánh giá và xem video để xem nó có đáp ứng nhu cầu của bạn không. Người dùng Mac có thể sử dụng ứng dụng Disk Utility để tạo ảnh đĩa.

Điều quan trọng là sao lưu máy tính của bạn là một quá trình dễ dàng và đơn giản mà sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc chẳng may sự cố xảy ra đối với máy tính của bạn. Coi nó là một ưu tiên và dành thời gian để sao lưu bộ nhớ và bộ lưu trữ của bạn thường xuyên là những biện pháp bảo vệ và phòng ngừa hiệu quả trước việc dữ liệu của bạn bị thất lạc hoặc đánh cắp. Nhìn chung, đây là một thói quen tốt bạn nên thực hành đặc biệt là khi bạn làm việc với rất nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc liên quan đến kinh doanh.

#KingstonIsWithYou

Video liên quan

Bài viết liên quan