Một người phụ nữ và một người đàn ông đang nhìn vào chiếc máy tính bảng.

Đánh giá các sản phẩm lưu trữ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bạn

Đối với bộ phận CNTT, việc đánh giá sản phẩm lưu trữ là một quy trình quan trọng, có thể quyết định toàn bộ cấu trúc cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của công ty. Giải pháp lưu trữ có kiến trúc không hiệu quả có thể làm giảm đáng kể hiệu năng của bộ phận này, đồng thời, dẫn đến sự cố ngừng hoạt động nghiêm trọng, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất dữ liệu vĩnh viễn. Tuy nhiên, một quyết định thông thái, có tính đến các yếu tố phù hợp, sẽ có khả năng đem đến cho tổ chức một giải pháp lưu trữ chung với quy mô linh hoạt, có thể đáp ứng các mục tiêu về mức độ dịch vụ tin cậy, cùng hiệu năng cao của thiết kế hệ thống được đề xuất.

Đặc biệt, ở quy mô lớn hơn, việc duy trì cấu trúc CNTT có thể giống như việc duy trì một chiếc ô tô cũ hoạt động. Đây là nhiệm vụ rất tốn kém và tiêu hao nhiều tài nguyên nếu bạn không có thời gian hoặc tiền bạc để tìm một giải pháp thay thế tốt hơn. Các quản trị viên hệ thống CNTT có thể gặp khó khăn trong việc bắt kịp và hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi dữ liệu nếu họ phải sử dụng phần cứng lỗi thời và kém hiệu quả.

Lựa chọn giải pháp lưu trữ phù hợp

Bàn tay doanh nghiệp nhấp vào màn hình ảo để quản lý tài liệu, các tùy chọn tải lên và tải xuống, bảo mật, cài đặt, v.v.

Khi thiết kế một giải pháp đầu tư mới, điều quan trọng là trước tiên phải hiểu được kiến trúc cấp cao và thiết kế hệ thống của giải pháp được đề xuất, đồng thời nắm rõ các vướng mắc tài nguyên có thể xảy ra trong toàn bộ quy trình. Nhờ đó, các kiến trúc sư ứng dụng và lưu trữ có thể lựa chọn và thiết kế giải pháp lưu trữ phù hợp. Chúng tôi nhấn mạnh một số câu hỏi chính mà các kiến trúc sư lưu trữ cần đặt ra để hỗ trợ họ đưa ra quyết định sáng suốt:

  • Giải pháp lưu trữ nhằm mục đích gì?
  • Giải pháp này có yêu cầu quyền truy cập vào bộ lưu trữ khối, tệp hoặc đối tượng không?
  • Khối lượng công việc điển hình là như thế nào?
  • Yêu cầu IOPS, thông lượng và độ trễ là gì?
  • Độ sẵn sàng cần có là bao nhiêu? (99,9%, 99,99%, 99,999%?)
  • Có cần sao lưu dữ liệu không? Tần suất sao lưu như thế nào?
  • Có cần sao chép dữ liệu không?
  • Yêu cầu khôi phục sau thảm họa về mục tiêu thời gian khôi phục (RTO) và mục tiêu điểm khôi phục (RPO) là gì?
  • Yêu cầu về lưu trữ dữ liệu là gì?
  • Dữ liệu thay đổi với mức độ như thế nào hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm?
  • Mức tăng trưởng dung lượng dự kiến mỗi năm là bao nhiêu?

Yêu cầu về dữ liệu của doanh nghiệp

Hiểu được yêu cầu về khối, tệp và đối tượng

Khi triển khai ứng dụng mới, điều quan trọng là phải hiểu rõ loại dữ liệu được lưu trữ để đưa ra quyết định sáng suốt về việc nên sử dụng lưu trữ khối, tệp hay đối tượng.

Lưu trữ khối là trường hợp sử dụng phổ biến nhất trong môi trường DAS và SAN. Trong môi trường DAS, toàn bộ dung lượng ổ đĩa RAID hoặc Ổ đĩa vật lý được hiển thị cho HĐH dưới dạng ổ đĩa thô, chưa được định dạng. Trong môi trường SAN, toàn bộ LUN (bao gồm một số ổ đĩa vật lý) được hiển thị từ mảng lưu trữ sẽ được trình bày cho HĐH thông qua mạng tốc độ cao và xuất hiện dưới dạng ổ đĩa thô, chưa được định dạng. Các lớp cơ bản của ổ đĩa thô bao gồm các phạm vi hoặc khu vực nhỏ hơn mà hệ điều hành xử lý. Sau đó, hệ thống con lưu trữ cơ bản có thể ánh xạ các khối logic đó tới các khối vật lý cụ thể trên (các) ổ đĩa cụ thể. Bộ lưu trữ cấp khối có tốc độ cao, đáng tin cậy và là giải pháp lý tưởng nhất cho loại dữ liệu thay đổi liên tục như cơ sở dữ liệu quan hệ, cơ sở dữ liệu xử lý giao dịch trực tuyến (OLTP), máy chủ email hoặc cơ sở hạ tầng máy tính ảo. Đó là những loại dữ liệu yêu cầu thông lượng giao dịch cao và độ trễ thấp.

Bộ lưu trữ đối tượng có khả năng lưu trữ dữ liệu (và siêu dữ liệu được liên kết) trong các vùng chứa có mã nhận dạng không trùng lặp, không có thư mục hoặc thư mục con, chẳng hạn như các thư mục hoặc thư mục con được liên kết với bộ lưu trữ tệp. Bộ lưu trữ này sử dụng khái niệm kho lưu trữ khóa–giá trị, trong đó mỗi khóa trỏ đến một “giá trị” cụ thể hoặc một phần dữ liệu và được truy xuất thông qua API.

Giải pháp này chủ yếu được sử dụng để xử lý một lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc, như email, hình ảnh sao lưu, video cảnh quay giám sát hoặc trong IoT, quản lý dữ liệu cho học máy và phân tích dữ liệu. Giải pháp lưu trữ đối tượng là lựa chọn phù hợp để xử lý lượng dữ liệu rất lớn và có thể thay đổi quy mô nhanh chóng theo yêu cầu của ứng dụng. Tuy nhiên, giải pháp này có tốc độ truy xuất dữ liệu chậm, nên không hiệu quả đối với cơ sở dữ liệu hoặc điện toán có hiệu năng cao. Ví dụ về bộ lưu trữ đối tượng bao gồm Amazon S3, bộ lưu trữ đối tượng Google Cloud hoặc bộ lưu trữ Azure Blob.

Bộ lưu trữ tệp có chức năng lưu trữ dữ liệu trong các tệp, được sắp xếp trong các thư mục và thư mục con và được chia sẻ qua mạng bằng SMB (Windows) hoặc NFS (Linux). Đây là giải pháp hiệu quả với các tệp lưu trữ tập trung như video, hình ảnh hoặc tài liệu. Tuy nhiên, giải pháp này có khả năng mở rộng hạn chế khi lượng dữ liệu không ngừng tăng lên. Đây không phải là ứng dụng phù hợp nhất để xử lý lượng dữ liệu phi cấu trúc rất lớn hoặc dữ liệu thay đổi liên tục như cơ sở dữ liệu OLTP.

Nhân viên đang ngồi trước máy tính xách tay và cầm bút cảm ứng điều khiển màn hình ảo, chọn các tùy chọn để ký vào tài liệu điện tử

Do đó, các doanh nghiệp thành công quan tâm đến việc xây dựng hệ thống Máy tính có hiệu năng cao (HPC). Họ sử dụng cơ sở dữ liệu cục bộ và dịch vụ dữ liệu để thực hiện tính toán giao dịch, sau đó cho phép tích hợp riêng với các bộ lưu trữ đối tượng trên đám mây để lưu trữ lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc. Nhờ đó, các giao dịch đòi hỏi thông lượng và IOPS cao có thể diễn ra trong bộ lưu trữ tệp và khối tốc độ cao của trung tâm dữ liệu cục bộ, cùng với bộ lưu trữ đối tượng trên đám mây chậm hơn để lưu trữ một lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc.

Việc xử lý dữ liệu quy mô lớn đòi hỏi phải có giải pháp lưu trữ dữ liệu dựa trên loại dữ liệu mà doanh nghiệp cần phân tích. Ví dụ: để xử lý và phân tích dữ liệu tại chỗ hoặc trên đám mây phi cấu trúc, công ty cần một nền tảng dữ liệu tệp cho cơ sở hạ tầng lưu trữ kết hợp. Nền tảng này có thể cung cấp thông tin chi tiết và phân tích theo thời gian thực.

Thử nghiệm hiệu năng lưu trữ

Trụ cột trung tâm của hoạt động đánh giá các sản phẩm lưu trữ là thử nghiệm và xác nhận sản phẩm. Hoạt động thử nghiệm có rất nhiều lợi ích. Có thể sử dụng các công cụ phù hợp để thử nghiệm tất cả các kết quả như cải thiện hiệu năng ứng dụng, tối ưu hóa chi phí lưu trữ và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các bộ phận CNTT nhỏ hoặc thiếu vốn có thể khó làm như vậy, vì các công cụ DIY hoặc phần mềm có sẵn miễn phí thường không cho phép thực hiện nhiều hoạt động thử nghiệm nghiêm ngặt cần thiết để mô phỏng môi trường sản xuất trong thế giới thực của công ty.

Có thể sử dụng hoạt động thử nghiệm để trả lời bất kỳ hoặc tất cả các câu hỏi sau đây:

  • Việc triển khai công nghệ/sản phẩm lưu trữ mới có thể giúp tôi cải thiện hiệu năng ứng dụng ra sao?
  • Tôi có đủ khả năng cải thiện hiệu năng không?
  • Liệu các kỹ thuật mới có giảm chi phí trên mỗi gigabyte mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu năng không?
  • Làm cách nào tôi có thể lựa chọn công nghệ/sản phẩm/cấu hình tốt nhất, phù hợp với khối lượng công việc trong ứng dụng của mình?
  • Kiến trúc/sản phẩm mới có tác dụng nhất với những loại khối lượng công việc nào?
  • Cấu hình mới tiềm năng có những giới hạn hiệu năng nào?
  • Phương tiện lưu trữ sẽ hoạt động ra sao khi đạt đến giới hạn hiệu năng?

Nếu bạn đang chọn một giải pháp lưu trữ dữ liệu có khả năng thay đổi quy mô cho doanh nghiệp, điều quan trọng là bạn phải chú ý đến cách thức bộ nhớ bạn đã chọn kết hợp với dữ liệu và ứng dụng.

Hỗ trợ cho sản phẩm lưu trữ

Thật đáng tiếc, việc thiếu đội ngũ hỗ trợ có thể ảnh hưởng đáng kể đến một sản phẩm tuyệt vời, bởi đây là đội ngũ giúp doanh nghiệp quản lý mọi vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình sử dụng. Ngược lại, thông qua những nỗ lực phi thường của đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật, sản phẩm tốt có thể được nâng lên một tầm cao mới. Bạn nên lưu tâm đến mối quan hệ chuyên môn hiện có với nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ hiện tại của doanh nghiệp khi đưa ra quyết định về thay đổi giải pháp lưu trữ trong tương lai. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc mọi thỏa thuận cấp dịch vụ (SLA) chẳng hạn như đáp ứng các KPI như độ trễ, thông lượng hoặc IOPS trong khối lượng công việc cụ thể khi đưa ra lựa chọn. Nếu nhà cung cấp bạn định chọn có tiếng tăm trong ngành (ví dụ: họ thường vượt tiêu chuẩn của ngành), thì bạn có thể tin tưởng khi họ quảng cáo các tính năng như IOPS cao và thông lượng có độ trễ ở mức chấp nhận được cho từng nền tảng.

Một yếu tố khác cần lưu ý khi ra quyết định là chi phí của mọi sản phẩm lưu trữ. Bạn không những cần tính đến chi phí mua lại, mà còn cả chi phí bảo trì và tổng chi phí sở hữu (TCO).

#KingstonIsWithYou

Hỏi chuyên gia về SSD

Hỏi Chuyên gia về ổ cứng SSD Máy chủ

Kingston có thể cho bạn ý kiến và lời khuyên độc lập về những lợi ích mà ổ cứng SSD doanh nghiệp sẽ mang đến cho môi trường lưu trữ cụ thể của bạn, đồng thời ổ SSD nào là phù hợp nhất cho khối lượng công việc đòi hỏi sự cân bằng về hiệu năng IOPS đọc và ghi ngẫu nhiên cao.

Hỏi Chuyên gia

Bài viết liên quan