FURY Beast DDR5 RGB được lắp ở một máy PC để bàn

Bí quyết xử lý RGB

Bạn có phân vân tự hỏi: làm sao để thêm chất riêng cho dàn PC của mình? Dải sáng RGB sẽ là một khởi đầu lý tưởng cho hành trình biến dàn PC bình thường thành một kiệt tác độc đáo đầy màu sắc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm qua tất cả những điều bạn cần biết về đèn RGB và cách bắt đầu. Nếu bạn muốn tìm hiểu cách tùy chỉnh hiệu ứng RGB trên PC hay nơi bạn có thể tìm thấy phần mềm tùy chỉnh RGB tốt nhất, bạn đã đến đúng chỗ rồi đấy!

Hiệu ứng ánh sáng RGB là gì?

Đã bao giờ bạn bắt gặp những bức ảnh hay video về những dàn PC đầy màu sắc? Đích thị là hiệu ứng chiếu sáng RGB đó. RGB là viết tắt của Red (đỏ), Green (lục) và Blue (lam). Từ ba màu rất đỗi cơ bản này, hệ thống RGB có thể mang đến cho bạn hơn 16 triệu cách phối màu khác nhau. Đèn RGB được sử dụng trong các linh kiện và phụ kiện máy tính để làm cho dàn PC thêm kỳ ảo, lung linh.

So sánh RGB và ARGB

Đèn RGB có hai loại chính: RGB và ARGB. Đèn RGB chỉ có thể được thiết lập để hiển thị duy nhất một màu tại một thời điểm, trong khi ARGB (Addressable RGB – RGB điều chỉnh được từng đèn riêng lẻ) thì tân tiến hơn, cho phép bạn tùy chỉnh và điều khiển từng bóng đèn LED riêng biệt. Nhờ vào đó, có rất nhiều thứ thú vị bạn có thể thực hiện với đèn ARGB. Bạn có thể hiển thị cùng lúc nhiều màu khác nhau và lựa chọn những hiệu ứng ánh sáng ấn tượng như bounce (nảy lên), breathing (nhịp thở) và rainbow (cầu vồng).

Các linh kiện RGB được kết nối thông qua cổng cắm 12V 4 chân, và vì tất cả bóng LED đều thuộc chung một mạch điện, bạn không thể tùy chỉnh màu sắc cho từng bóng LED riêng biệt. Còn các linh kiện ARGB thì yêu cầu cổng cắm 5V 3 chân, cho bạn khả năng điều khiển các bóng LED khác nhau một cách độc lập.

Khi bạn lắp một linh kiện RGB lên bo mạch chủ, trước tiên, hãy kiểm tra xem liệu cổng kết nối RGB của bo mạch chủ và linh kiện đó có tương thích với nhau hay không. Nếu bạn không lưu ý đến sự khác biệt của các cổng cắm RGB và điện áp của chúng, bạn có thể làm đoản mạch bo mạch chủ của mình. Hầu hết những bo mạch chủ hiện đại đều trang bị cả hai cổng ARGB 5V và RGB 12V để bạn có thể điều khiển hệ thống đèn RGB của mình, nhưng hãy luôn nhớ kiểm tra trước!

Phần mềm tùy chỉnh ánh sáng RGB

Ngày nay, việc sử dụng cùng lúc các thiết bị RGB trở nên dễ hơn rất nhiều vì các nhà sản xuất bo mạch chủ đã tích hợp thêm các cổng kết nối RGB tiêu chuẩn lên bo mạch chủ của họ.

Dải sáng RGB thường được điều khiển và tùy chỉnh thông qua một phần mềm được kết nối đến bo mạch chủ, hoặc bằng cách dùng một bộ điều khiển RGB riêng biệt. Hướng dẫn sử dụng của bo mạch chủ và trang web hướng dẫn của nhà sản xuất thường nêu rõ những phần mềm tùy chỉnh tương thích.

Các bộ điều khiển RGB riêng biệt cũng có thể được sử dụng để kết nối cùng lúc nhiều linh kiện RGB vào một nơi. Các thiết bị này thông thường sẽ yêu cầu cổng cắm USB và đầu nối SATA.

Cách bắt đầu

Một ảnh chụp màn hình cho thấy các lựa chọn tùy chỉnh của phần mềm FURY CTRL cho thanh RAM RGB

Dựng một PC chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng sẽ đem đến cho bạn rất nhiều điều thú vị khi tự do lựa chọn tất cả những linh kiện và tạo nên nét riêng cho dàn PC của chính mình. Đèn RGB giữ một vai trò không nhỏ trong công cuộc này, bởi ngày nay, hầu hết mọi linh kiện máy tính đều tích hợp đèn RGB (không theo cách này thì cách khác), mở ra muôn hình vạn trạng cho bạn tạo dấu ấn riêng!

  • Case, hay vỏ máy – Nếu bạn đã chi một khoản không nhỏ cho những linh kiện RGB của mình, bạn sẽ muốn chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ huy hoàng của cả hệ máy! Hãy lựa ngay một chiếc vỏ máy trong suốt hoặc làm bằng kính để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn mọi góc độ của hệ thống RGB! Ngoài ra, việc lựa chọn một chủ đề của hệ đèn tương ứng với ngoại hình của case cũng là có thể là một ý tưởng hay để cho dàn PC thêm kiểu cách.
  • Bo mạch chủ – Những bo mạch chủ hiện đại và thuộc phân khúc cao sẽ được tích hợp sẵn đèn RGB. Hãy nhớ kiểm tra các cổng cắm RGB trên bo mạch chủ bạn sở hữu trước khi mua những linh kiện khác đấy nhé!
  • Tản nhiệt CPU – CPU là một trong số ít những linh kiện không được tích hợp đèn RGB. Nhưng tản nhiệt CPU thì lại khác, cả tản nhiệt bằng không khí lẫn hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng đều có sẵn trên thị trường với những sản phẩm tích hợp RGB. Một chiếc quạt tản nhiệt RGB hoàn hảo có thể sẽ vô cùng nổi bật và dễ dàng trở thành linh kiện RGB ấn tượng nhất trên dàn PC của bạn!
  • RAM – Có rất nhiều loại RAM để bạn lựa chọn và có rất nhiều bộ kit được tích hợp đèn RGB. Một thanh RAM RGB hoàn hảo có thể chiếm lấy vị trí trung tâm của một dàn PC, đặc biệt là sau khi bạn thêm những hiệu ứng "cực chất" cho RAM. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng cần lưu ý: hiện nay không có một tiêu chuẩn nào cho các hiệu ứng RGB trên RAM. Bạn có thể chọn mua thanh RAM Kingston FURY có đèn RGB hoặc không, và màu sắc cùng hiệu ứng ánh sáng có thể được tùy chỉnh thông qua phần mềm Kingston FURY CTRL.
  • Kingston FURY CTRL mang đến cho bạn khả năng tùy chỉnh những hiệu ứng ánh sáng của những sản phẩm RGB thuộc Kingston FURY và các sản phẩm bộ nhớ có hỗ trợ RGB của HyperX cũ. Qua việc sử dụng phần mềm này, bạn có quyền truy cập một thư viện gồm các hiệu ứng và mẫu hình được thiết lập sẵn và tùy ý chọn lựa màu sắc, cũng như tốc độ chiếu sáng để tạo nên một setup mang cá tính riêng. Với sự kết hợp của công nghệ Kingston FURY Infrared Sync Technology™, bạn có thể đồng bộ hóa một cách hoàn hảo những hiệu ứng trên để mang lại sự hài hòa tuyệt đối.
  • Ổ lưu trữ – Ổ cứng SSD là một thành phần không thể thiếu trong quá trình dựng PC riêng. Trên thị trường, mặc dù vẫn có các ổ cứng SSD tích hợp đèn RGB, nhưng bạn hãy cân nhắc trước khi mua nhé. Khả năng cao là bạn sẽ không thể nhìn thấy ổ cứng của mình sau khi lắp đặt lên bo mạch chủ đấy.

Kết luận

Đèn RGB là một lựa chọn thú vị để thêm phong cách và cá tính riêng cho cách setup chơi game của bạn. Bạn sẽ muốn tất cả các linh kiện hoạt động đồng bộ với nhau, nên hãy tận dụng các phần mềm giúp bạn điều khiển, tùy chỉnh và đồng bộ hệ thống của mình.

Sau khi dựng xong PC, bạn có thể dễ dàng bổ sung những phụ kiện RGB khác cho dàn máy như đèn dây (light strip), hay những thiết bị ngoại vi có tích hợp đèn RGB khác. Và dù đèn RGB cũng khá là ngầu, nhưng hãy nhớ rằng đôi khi ít lại tốt hơn nhiều đấy. Bạn luôn có thể bắt đầu với một hoặc hai linh kiện RGB rồi nâng cấp thêm sau đó.

Giờ thì bắt tay vào xây dựng hệ máy với hiệu ứng RGB mà bạn vẫn hằng ao ước ngay thôi!

#KingstonIsWithYou #KingstonFURY

Bài viết liên quan