
Trong lĩnh vực ép xung bộ nhớ, lĩnh vực đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy e ngại, các công cụ như Intel® XTU và AEMP của ASUS sẽ giúp bạn dễ dàng tận dụng tối đa bộ nhớ mà mình đầu tư. Tuy nhiên, trước khi sử dụng các công cụ để ép xung, có một vài điều bạn cần lưu ý. Đầu tiên, nếu bạn chưa quen với việc ép xung bộ nhớ, hãy cùng nhau tìm hiểu và xác định các giá trị bộ nhớ chính được điều chỉnh để tăng hiệu năng:
- Độ trễ bộ nhớ – Độ trễ bộ nhớ là một loạt các giá trị liên quan đến độ trễ giữa các hoạt động bộ nhớ khác nhau. Điều này có mối quan hệ trực tiếp với tốc độ truy cập và chuyển dữ liệu giữa CPU và thanh RAM. Độ trễ bộ nhớ thấp hơn sẽ tốt hơn, nghĩa là có ít chu kỳ xung nhịp hơn trước khi dữ liệu được trả về cho CPU. Một ví dụ về ép xung trong trường hợp này sẽ là việc giảm các thời gian chuẩn từ CL46-45-45 xuống CL30-36-36.
- Tần số Hoạt động của Bộ nhớ (Tốc độ) – Tần số hoạt động của bộ nhớ đề cập đến tốc độ mà bộ nhớ có thể truyền tải dữ liệu, đo bằng Megatransfers (triệu lần truyền) mỗi giây (MT/giây). Tần số hoạt động cao hơn sẽ làm tăng tổng lượng băng thông bộ nhớ có sẵn cho bộ xử lý. Một ví dụ về ép xung này là tăng từ 5600 MT/giây lên 6000 MT/giây.
- Điện áp – Điện áp thúc đẩy các thành phần bộ nhớ cung cấp hiệu năng cao hơn, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Ví dụ, điều chỉnh điện áp chuẩn (DRAM VDD) cho DDR5 từ 1,1 V lên 1,35 V có thể cho phép thanh RAM ép xung đến tốc độ cực cao mà bình thường không thể đạt được.
AEMP là gì?
AEMP là từ viết tắt của ASUS Enhanced Memory Profile (Hồ Sơ Bộ Nhớ Mở Rộng của ASUS). Đây là một công cụ BIOS của ASUS phân tích các thanh RAM tiêu chuẩn công nghiệp JEDEC dựa trên các thành phần DRAM của chúng và tạo ra một hồ sơ ép xung trong BIOS với tốc độ cao hơn, thời gian thấp hơn và điện áp cao hơn.
Trước khi tìm hiểu BIOS để xem cách công cụ này hoạt động, điều quan trọng là phải hiểu về các loại mô-đun khác nhau có sẵn của các nhà sản xuất bộ nhớ. Các thanh RAM theo tiêu chuẩn công nghiệp JEDEC, như những mô-đun có trong dòng sản phẩm Kingston ValueRAM, được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm để chạy ở tốc độ, thời gian và điện áp tiêu chuẩn công nghiệp. Ví dụ:
Thông số kỹ thuật chuẩn JEDEC của Kingston ValueRAM | |||
Công nghệ | Tốc độ | Thời gian | Điện áp |
DDR5 | 6400 MT/giây | 52-52-52 | 1,1V |
DDR5 | 5600 MT/giây | 46-45-45 | 1,1V |
DDR4 | 3200 MT/giây | 22-22-22 | 1,2V |
Các mô-đun tiêu chuẩn công nghiệp JEDEC không có cấu hình ép xung được lập trình sẵn từ nhà máy, cũng không được thử nghiệm hoặc tiếp thị để ép xung. Những tính năng đó thuộc về một phân khúc sản phẩm khác, chẳng hạn như Kingston FURY, bao gồm các hồ sơ được điều chỉnh bởi kỹ sư và lập trình sẵn từ nhà máy dựa trên thông số kỹ thuật của Intel XMP và AMD EXPO với tốc độ, độ trễ và điện áp được xác định trước vượt quá tiêu chuẩn JEDEC. Các mô-đun này có thể sử dụng bảng mạch in tùy chỉnh để cải thiện tính toàn vẹn của tín hiệu, bộ tản nhiệt để giảm nhiệt độ và các thành phần DRAM được sàng lọc trước để đảm bảo tốc độ cao và độ trễ thấp. Ví dụ:
Kingston FURY Factory-Tuned Overclock Specifications | |||
Công nghệ | Tốc độ | Thời gian | Điện áp |
DDR5 | 7200 MT/giây | 38-44-44 | 1,45V |
DDR5 | 6400 MT/giây | 32-39-39 | 1,40V |
DDR5 | 6000 MT/giây | 30-36-36 | 1,40V |
DDR4 | 3200 MT/giây | 16-18-18 | 1,35V |
Công cụ ASUS AEMP chỉ hoạt động với các thanh RAM tuân thủ chuẩn công nghiệp, những mô-đun này không có các hồ sơ XMP hoặc EXPO được lập trình sẵn từ nhà máy. Tính năng này chỉ có trên một số mẫu bo mạch chủ ASUS nhất định.
Hiện tại có ba phiên bản AEMP:
- AEMP I – Được giới thiệu cùng với việc phát hành chipset Intel chuỗi 600, công nghệ giúp giảm thời gian xử lý của bộ nhớ để giảm độ trễ.
- AEMP II – Giảm thời gian cũng như tăng tần số hoạt động (tốc độ) trên bộ nhớ để cải thiện băng thông bộ nhớ.
- AEMP III – Phiên bản mới nhất của AEMP hiện chỉ dành riêng cho chipset Intel chuỗi 800 với DDR5 CUDIMM (DIMM Không Đệm Có Xung nhịp) được cài đặt. Sản phẩm này tạo ra một hồ sơ với độ trễ thấp hơn và tăng tần số hoạt động trong khi tối ưu hóa trình điều kiển xung nhịp máy khách trên các mô-đun DDR5 CUDIMM chuẩn. Kể từ dòng bộ nhớ DDR5 6400 MT/giây trở đi, thành phần Trình điều khiển xung nhịp máy khách (CKD) được tích hợp vào thanh RAM để truyền lại tín hiệu xung nhịp, giảm thiểu nhiễu, sai lệch và nhìn chung cải thiện tính toàn vẹn của tín hiệu.

Để kích hoạt AEMP, bạn có thể vào BIOS của ASUS và kích hoạt công cụ này trong giao diện Chế độ EZ, hoặc chuyển sang chế độ Advanced và kích hoạt AEMP dưới cài đặt AI Overclock Tuner. Một khi bạn áp dụng các thay đổi, bạn có thể lưu và thoát. Hãy nhớ rằng, những hồ sơ này có thể bị xem là ép xung không chính thức bởi nhà sản xuất thanh RAM, có thể không được đảm bảo và có thể làm mất hiệu lực bảo hành sản phẩm. Nếu hồ sơ AEMP không ổn định, bạn sẽ cần phải thiết lập lại bo mạch chủ của mình bằng cách sử dụng tùy chọn Clear CMOS hoặc tháo pin CMOS và cài đặt lại để đưa bo mạch chủ về các tham số mặc định.
Dù rằng overclocking memory có thể có lợi cho nhiều ứng dụng, hãy nhớ rằng việc sử dụng mô-đun không được thiết kế để ép xung có thể tiềm ẩn rủi ro. Các thành phần DRAM được sử dụng trên các thanh RAM chuẩn có thể không ổn định khi vượt quá tốc độ chuẩn của JEDEC. Nếu bạn quan tâm đến việc mất hiệu lực bảo hành bộ nhớ, chúng tôi khuyến nghị sử dụng một giải pháp có thể ép xung, chẳng hạn như Kingston FURY™, được thiết kế và kiểm tra để đạt hiệu năng cực cao với bảo hành trọn đời.
