Đến một thời điểm nào đó, máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay của bạn sẽ gặp phải các sự cố về hiệu năng hoặc tốc độ máy chậm đáng kể. Thay vì mua một chiếc máy tính mới, bạn nên xem xét các cách khác để cải thiện và nâng cấp hiệu năng máy tính.
Tăng dung lượng bộ nhớ và thiết bị lưu trữ đều là hai cách hữu ích để cải thiện đáng kể máy tính chạy chậm. Tuy nhiên, việc quyết định nâng cấp bộ nhớ hay thiết bị lưu trữ còn phụ thuộc vào các vấn đề mà máy tính của bạn gặp phải, cũng như những lợi ích hiệu năng mà bạn muốn có được. Bài viết này sẽ đưa ra một vài ví dụ về thời điểm cần nâng cấp bộ nhớ và thiết bị lưu trữ cho máy tính, đồng thời lý giải tại sao cách nâng cấp này sẽ có lợi cho hiệu năng máy tính của bạn.
Sự khác nhau giữa bộ nhớ và thiết bị lưu trữ là gì?
Bộ nhớ và thiết bị lưu trữ là hai thuật ngữ thường bị nhầm lẫn với nhau, nhưng các thành phần này đảm nhận những công việc khác nhau trong máy tính của bạn, do đó cũng có những ảnh hưởng khác nhau tới hiệu năng máy tính. Để có thể quyết định xem nên nâng cấp bộ nhớ hay thiết bị lưu trữ, điều quan trọng là bạn biết được sự khác biệt của hai bộ phận này.
Bộ nhớ, còn được gọi là RAM (Bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên) là nơi thông tin liên tục được xử lý và thao tác. Máy tính của bạn sử dụng RAM cho bất cứ tác vụ gì cần dùng ngay, như làm việc trên các ứng dụng, chỉnh sửa tài liệu hoặc mở email. Tuy nhiên, thông tin trên bộ nhớ máy tính chỉ có thể truy cập được trong thời gian ngắn. Nếu thông tin không được giữ lại và lưu trên thiết bị lưu trữ của máy tính, dữ liệu sẽ bị mất khi tắt máy.
Thiết bị lưu trữ là ổ đĩa cứng hoặc ổ cứng thể rắn, nơi ghi và lưu trữ dữ liệu vô thời hạn. Máy tính của bạn sử dụng thiết bị lưu trữ đế chứa hệ điều hành, các ứng dụng và bất kỳ dữ liệu nào được tải trong quá trình sử dụng. Thông tin này có thể được truy cập trong thời gian dài và sẽ không bị mất khi bạn tắt máy. Tìm hiểu thêm về sự khác nhau giữa bộ nhớ và thiết bị lưu trữ.